Bàn phím cơ: Những thông tin dễ hiểu và cơ bản nhất dành cho ‘gà mờ’
Bàn phím cơ là gì? Tại sao nên dùng bàn phím cơ? Những điểm gì cần lưu ý khi lựa chọn bàn phím cơ? Đó là những câu hỏi thường gặp với bất cứ một người dùng nào khi lần đầu làm quen với khái niệm này. Bài viết dưới đây sẽ giải quyết được phần nào các câu hỏi đó theo một cách dễ hiểu nhất dành cho các bạn, đương nhiên không tránh khỏi các thuật ngữ trong ngành, kèm giải thích.
Bàn phím cơ (hay Mechanical Keyboard) là một khái niệm đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường nhưng chỉ thực sự phổ biến tại Việt Nam cách đây 3, 4 năm do giá thành vẫn còn cao so với mặt bằng chung. Đơn giản, bạn có thể hiểu, chỉ cần bỏ ra vài trăm để mua 1 bàn phím thường (trong khuôn khổ bài viết này là bàn phím cao su, loại bàn phím được sử dụng phổ biến nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam) thay vì phải bỏ ra cả triệu đồng để có 1 bàn phím cơ, đã khiến nó khó tiếp cận với người dùng thông thường. Nhưng một khi bạn đã nắm bắt được những điểm mạnh của bàn phím cơ, bạn sẽ bị nghiện từ lúc nào không biết và không thể quay trở lại gõ phím cao su thêm được nữa. Vậy điều gì khiến nó hấp dẫn như thế? Để giải quyết câu hỏi này, bạn cần phải hiểu nó là gì đã.
Bàn phím cơ là gì? Khác như thế nào so với bàn phím cao su?
Trước khi đến với bàn phím cơ, bạn nên hiểu thế nào là bàn phím cao su ( Membrane Keyboard) mà đại diện phổ biến nhất ở Việt Nam thường là Genius và Mitsumi. Loại bàn phím này đặt 1 miếng cao su dưới đáy. Khi bạn nhấn phím chạm vào miếng cao su sẽ xảy ra hiện tượng đóng mạch. Máy tính lập tức ghi nhận các tín hiệu điện nằm dưới phím và sau một quá trình phức tạp mà bạn không thể nhận ra được vì nó quá nhanh, kí tự gõ sẽ được hiển thị lên màn hình.
Kết cấu đơn giản như vậy dễ sinh ra các nhược điểm như việc phải ấn phím tới kịch đáy (từ chuyên môn là Bottom Out hay đâm lút cán) thì máy tính mới ghi nhận phím, dẫn tới việc cần nhiều lực để ấn phím. Lực mất tương đối nhỏ nhưng khi người dùng gõ lên tới hàng triệu lần thì lực mất đi là rất lớn, dễ gây các bệnh về tay. Mặt khác, trong quá trình gõ, tại một phím nào đó bạn nhấn không đủ lực thì máy tính chưa thể ghi nhận được và ở phím tiếp theo bạn lại nhấn đủ lực nên sinh ra hiện tượng mất chữ, sai chính tả và phải xóa đi viết lại rất mất công. Bàn phím cao su có một nhược điểm khác là rất dễ nhanh hỏng, dễ bám bụi ảnh hưởng tới hành trình di chuyển của phím tới miếng cao su. Rubber Dome (Miếng cao su) sau khoảng vài trăm ngàn lần sử dụng có dấu hiệu kém nhận và sẽ phải sử dụng lực ấn nhiều hơn để hệ thống nhận phím.
Với bàn phím cơ, mọi nhược điểm đều được khắc phục triệt để. Thay vì sử dụng miếng cao su, nó dùng 1 công tắc hay còn gọi là Switch để bật tắt mạch. Người dùng không cần phải mất nhiều lực để gõ phím, dẫn tới giảm mệt mỏi trong thời gian dài. Độ bền của switch là rất cao gấp từ 40 tới 60 lần miếng cao su do chúng đều sử dụng lò xo tạo độ nảy ngược trở lại vị trí bán đầu, nên có khi bạn dùng nó cả chục năm mà vẫn không xi-nhê gì. Nhưng quan trọng hơn cả là mức độ chính xác gia tăng đáng kể, giảm thiểu tình trạng gõ thiếu kí tự do thời gian hành trình phím thấp (khoảng thời gian từ lúc nhấn tới lúc phím được nhận), bạn cũng không cần phải Bottom Out thì phím mới ghi nhận. Hoặc gõ cả bàn phím cùng lúc mà nó vẫn ghi nhận chính xác các kí tự và đúng thứ tự. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà giá thành của nó thường từ cao cho đến rất cao khiến nhiều người e dè.
Những yếu tố quan trọng của một bàn phím cơ
A. Switch
Như đã nói ở trên dưới mỗi phím của một bàn phím cơ là một công tắc bật tắt riêng biệt. Thiết kế, chất lượng và độ nhạy của nó quyết định xem bạn có bị mệt mỏi khi dùng thời gian dài hay không, âm thanh phát ra có phù hợp hay không và nó phù hợp cho những công việc như thế nào. Chúng rất khác biệt nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn giới thiệu tới các bạn 3 công ty sản xuất Switch mạnh nhất trên thị trường bao gồm: Cherry MX, Kailh (đại diện tiêu biểu là Razer) và Topre. Mỗi đơn vị lại có kiểu thiết kế Switch riêng. Tuy nhiên, có rất nhiều sự tranh cãi giữa Switch của Cherry MX và Kailh. Chúng tôi xin phép không đề cập trong bài viết này mà chỉ đưa các thông tin liên quan tới các loại Switch phổ biến nhất mà họ đang sản xuất.
1. Cherry MX
Đơn vị nổi tiếng nhất trong việc sản xuất các loại Switch được không chỉ người dùng tại Việt Nam mà nước ngoài công nhận. Họ sản xuất rất nhiều loại Switch lớn nhỏ khác nhau nhưng quy tụ lại có những loại sau đây:
Giải nghĩa cụ thể các từ trong bảng phía trên:
- Clicky: Tiếng Click, thực tế là tiếng lách cách mà bạn nghe thấy trong quá trình gõ phím. “No” đồng nghĩa với việc bạn không nghe thấy tiếng này, Yes thì ngược lại.
- Tactile: Cảm giác ấn phím khi bạn vượt qua một cái khấc, bạn sẽ có cảm giác nghe “khực” 1 cái.
- Linear: Tuyến tính. Là loại phím mà khi bạn nhấn phím tới Bottom Out mà không có cảm giác “khực” như Tactile.
- Actuation Force: Lực cần thiết để bàn phím nhận phím và hệ thống sẽ cho nó hiển thị lên màn hình. Với N là Newton, đơn vị đo lực. VD: với Black, AF=0.60 N tương đương với việc bạn để 1 vật nặng 60 gram lên phím. Đôi khi, nhiều người vẫn thường nói ngắn gọn : “một lực 60g” nhưng nên hiểu theo đúng nghĩa phải là 0.60N do công thức tính lực là: F=ma (với a=10m/s^2, m là khối lượng vật, F là lực)
- Tactile Force: Lực cần thiết để tới được khấc ở phím có Tactile. Đơn vị tính tương tự như trên.
- Product Code: Mã sản phẩm giúp bạn dễ dàng biết được phím này đang sử dụng Switch nào của Cherry MX.
Trong số các Switch trên thì có 5 loại phổ biến nhất là: Black, Red, Blue, Brown và Clear với độ bền trung bình khoảng 50 triệu lần nhấn. Đều có hành trình phím là 4mm, Actuation Point (điểm bàn phím nhận thao tác phím và chuyển đi để xử lý) là 2mm.
– Cherry MX Black: Có lực ấn cao nhất theo bảng trên, lại thuộc Linear nên độ nảy phím là cao nhất. Nó đặc biệt được game thủ ưa thích vì không lo mấy vụ bấm nhầm phím và lại có khả năng phản hồi tức thì nên dễ dàng spam phím mà không lo bị miss phím.
– Cherry MX Red: Có lực ấn thấp, thuộc Linear nên cảm giác rất êm ái nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tỉ lệ bấm nhầm phím cao hơn Black. Vẫn là switch dành cho game thủ, tuy nhiên chỉ phù hợp với các game không yêu cầm thao tác nhiều phím. Đây không phải là loại cho dân văn phòng vì không có Tactile nên khi gõ quá nhanh, người dùng chẳng biết phím đã được ghi nhận hay chưa.
– Cherry MX Blue: Lực ấn vừa phải, có clicky, có thêm tactile khiến cho switch này phù hợp cho những người thường xuyên gõ văn bản. Nó giúp người dùng tránh bị gõ nhầm, biết lúc nào phím đã được ghi nhận. Nhược điểm tương đối lớn của nó là độ ồn cao và không phù hợp trong môi trường mà người khác ghét sự ồn ào. Khuyến cáo nên dùng ở nhà, một mình một phòng.
– Cherry MX Brown: Lực ấn thấp, không có clicky chỉ có tactile nên phù hợp với dân văn phòng thích yên tĩnh. Độ ổn ở mức dễ chịu. Game thủ có thể chọn lựa giữa Brown và Red nếu muốn.
– Cherry MX Clear: Lực ấn thấp, có tactile và không có clicky, thậm chí là rất êm. Có nhiều nét giống Brown nhưng cứng cáp hơn.
game4v.com
Không có nhận xét nào: